"Chỉ với vài cú pháp đơn giản, người đang sử dụng mạng Viettel hay Mobifone có thể sở hữu ngay một tài khoản trị giá 1-3 triệu đồng" - Đó là thủ thuật dạy “ăn cắp” tiền từ nhà mạng di động được một hacker công bố.

Vài thao tác đã có tiền triệu

Đêm ngày 31/5, một hacker tự tin tuyên bố trên các diễn đàn mạng là đã tìm ra thủ thuật ăn cắp tiền từ các nhà mạng di động của Việt Nam hiện nay. Thậm chí, hacker này còn công khai hẳn tên tuổi, địa chỉ cụ thể là Nguyễn Hữu Hùng, sinh viên năm thứ 4, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách Khoa, nhằm tạo “niềm tin” đối với mọi người.

“Tôi không dám nhận mình là một sinh viên ưu tú, nhưng với những gì tự khám phá được thì tôi thấy rất hài lòng. Chắc các bạn cũng biết tới diễn đàn HAV… - diễn đàn hacker lớn nhất hiện nay và tôi rất tự hào khi mình nằm trong ban quản trị diễn đàn. Với những kinh nghiệm mà tôi đã có, hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn cách hack tiền tài khoản Viettel hoàn toàn chính xác”.

Chưa dừng lại ở đó, tay hacker này như muốn quảng cáo thêm bản thân và chứng minh cách dạy mọi người các thủ thuật là hoàn toàn “trong sạch”: “Như các bạn cũng đã thấy, rất nhiều các cá nhân post bài lên các diễn đàn trong nước với nội dung "hack tiền của mạng Viettel cũng như Mobifone"... để tìm được những topic như thế không hề khó, rất nhiều những topic như vậy, nhưng hầu hết là của Amateur, chủ yếu nhằm vào mục đích vụ lợi chứ không thông thạo về chuyên môn, họ thiếu kinh nghiệm, kiến thức và cả tính chính xác trong lĩnh vực hack bậc thầy này, mà nó đòi hỏi phải có một trình độ hack tương đối cao”.

Hacker này tự nhận mình là một người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hack tiền từ các mạng di động và chỉ dẫn rất chi tiết đến tận từng chân tơ kẽ tóc về các thủ thuật “moi” tiền miễn phí từ 2 mạng di động hàng đầu Việt Nam.

“Các bạn làm theo cú pháp như sau: *136* mật khẩu Server *mã PIN *mã PUK# (tương tự cấu trúc của cú pháp chuyển tiền). Để khỏi mất thời gian của các bạn tìm lại 2 mã trên nên tôi đã tạo ra một Server trung gian (viết tắt là TIS-Telephone of Intermediacy Server) với mã PIN và mã PUK mặc định (dùng đăng nhập số điện thoại của bạn trên Server). Cú pháp hoàn chỉnh sẽ là : *136*10010010*00841669187685*30000#. (chú ý: tuyệt đối không làm theo các cú pháp này)

Đối với mạng Viettel, các bạn chỉ hack được 3 lần trong 1 ngày (có nghĩa là 1 ngày chỉ hack được 3 triệu đồng) và mỗi lần hack phải thực hiện liên tiếp thật nhanh. Hiệu quả cho mỗi lần rất cao".

Hacker này đảm bảo sau khi làm xong những bước trên, chỉ cần đợi 15 phút, tài khoản chính của người nhắn tin sẽ được cộng thêm 1 triệu đồng.

Tương tự, với mạng Mobifone, hacker này cũng hướng dẫn rất tận tình và chu đáo để mọi người dù ít am hiểu về điện thoại di động cũng phải tò mò đọc tường tận để làm theo.

Cú pháp ảo mất tiền thật

Trên diễn đàn này còn có cả "hệ thống chân gỗ" với khá nhiều email cảm ơn của những người may mắn vớ bẫm được món tiền “từ trên trời rơi xuống” và rất nhiều khác nữa cũng vui lây từ chương trình hack.

Nghe theo lời quảng cáo của hacker: “Hiện tại cơ quan viễn thông quân đội Viettel chưa có biện pháp để có thể ngăn được lỗi từ server trung gian này nên các bạn hãy tranh thủ chớp lấy thời cơ có 1 không 2”, chúng tôi lần mò theo cách dạy nói trên để kiểm chứng thực hư.

Theo hướng dẫn của hacker, chúng tôi dùng mạng di động của mạng Viettel và bắt đầu nhắn tin, hồi hộp chờ đợi. Tuy nhiên, sau 15 phút, rồi 30 phút, vẫn không thấy tài khoản được cộng thêm 1 triệu đồng.

Hơn 1 tiếng sau chúng tôi bất ngờ nhận được tin nhắn: “Quý khách đã thực hiện sai thao tác, đề nghị quý khách hãy làm lại theo cấu trúc: *136*...để tiếp tục”.

Sau 2-3 lần lặp đi lặp lại vì “sai cấu trúc”, chúng tôi giật mình kiểm tra thì số tiền trong tài khoản đã tự nhiên “biến mất” gần 100 ngàn đồng.


Tiếp tục nhắn lại vì sai nhưng tiền tài khoản thì bị trừ nhiều hơn.

Chúng tôi quay ngược lại sử dụng với mạng di động Mobifone và cũng ngồi đợi. Thế nhưng tiền 1 triệu đồng không thấy, chỉ thấy kết quả tiền trong tài khoản gốc cũng bị trừ theo.

Liên lạc qua Tổng đài Viettel để thắc mắc về vấn đề vì sao số tiền trong tài khoản bị “thâm hụt” một cách đột ngột thì được nhân viên tư vấn giải thích là chúng tôi vừa thực hiện lệnh chuyển tiền qua số máy: 008416691…

Bạn Kiều Anh, sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức, TP.HCM cho biết bạn cũng tin vào lời quảng cáo và tò mò làm theo nhưng khi kiểm tra thì phát hiện tiền gốc của mình đã bị trừ.

Theo nhiều người cũng bị dính lừa đảo kiểu nhắn tin nhận tiền triệu nói trên, thực tế đó chỉ là cách chuyển tiền qua tài khoản mà một số mạng di động đang áp dụng, đặc biệt là với mạng Viettel khi không giới hạn số lần chuyển tiền trong ngày. Và đây chính là kẽ hở để nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng quảng bá thủ thuật hack tiền từ nhà mạng.

Gần đây, nhan nhản trên các diễn đàn, topic xuất hiện một số địa chỉ website hướng dẫn chỉ vài thao tác trong 15 phút sẽ sở hữu ngay tài khoản điện thoại 1 triệu đồng. Với lời rao hấp dẫn này, không ít người bị lừa mất hết tiền trong tài khoản mà vẫn không thấy tiền được chuyển đến.

(Theo Bưu Điện Việt Nam)
Bài viết được trích từ nguồn vietnamnet.vn, xem bài viết gốc tại đây

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên