Như đã đưa tin, sáng nay 3/4/2014, người dân khu vực Hòn Gai (thành phố Hạ Long) đã được chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Trong vòng 10 phút đồng hồ, từ 9h05’ - 9h15’, bầu trời thành phố biển bỗng nhiên tối sầm lại như có ai che kín cả bầu trời.
Nhiều người cảm thấy rất bất ngờ trước hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này. Cho đến nay, chưa ai dám khẳng định, nguyên nhân thực sự gây ra hiện tượng “ngày bỗng biến thành đêm” như trên? Hãy cùng tìm hiểu một số giả thuyết được đặt ra cho hiện tượng lạ này.
Rất nhiều người cho rằng, hiện tượng bầu trời bỗng dưng tối sầm và đen kịt ở Hạ Long có nguyên nhân từ nhật thực. Tuy nhiên, đây là một khả năng khó xảy ra bởi theo các chuyên gia khoa học, năm nay sẽ chỉ có hai lần xảy ra nhật thực.
Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 29/4 là nhật thực hình khuyên diễn ra ở Nam bán cầu. Sau đó, vào khoảng ngày 23/10 sẽ diễn ra nhật thực một phần ở Bắc bán cầu. Song, cả hai lần này, người dân ở Việt Nam đều không thể quan sát thấy, do đó giả thuyết này có thể tạm loại bỏ.
Hiện tượng nhật thực hình khuyên huyền ảo trên bầu trời Tokyo, Nhật Bản.
Vậy, nguyên nhân của hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên là gì? Trên thực tế, ở Việt Nam đã từng ghi nhận một số trường hợp xảy ra tương tự tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Lạng Sơn cách đây vài năm.
Và tác nhân chính gây ra chính là các đám mây đối lưu ở tầm thấp, bay ngang qua và che kín một vùng bầu trời làm mọi thứ trở nên tối sầm lại như ban đêm trong ít phút. Sau khi đám mây bay ngang qua, mọi thứ xung quanh đều trở lại bình thường.
Trời bỗng nhiên tối sầm vào lúc 9h05'.
Có thể nói, nhiều khả năng hiện tượng “ngày hóa đêm” xảy ra sáng nay tại thành phố Hạ Long cũng có cùng nguyên nhân tương tự. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, “đêm giữa ban ngày” không phải là điều gì mới mẻ mà tương đối phổ biến trong thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra vô cùng phức tạp.
Chúng ta biết rằng, mây là tập hợp của rất nhiều hạt nước hoặc tinh thể đá nhỏ li ti, được tạo thành khi hơi nước ngưng tụ lại trong những túi không khí đang bốc lên. Trong điều kiện thời tiết bình thường, không khí tiếp tục được đẩy lên khiến cho đám mây được bồi đắp thêm.
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường phải bật đèn để di chuyển.
Độ dày hay chiều cao của đám mây là nguyên nhân khiến cho mây có màu sắc không cố định. Khi mây mỏng, chúng sẽ để cho phần lớn ánh sáng xuyên qua và có màu trắng. Nhưng cũng như những vật thể truyền ánh sáng khác, mây sẽ tuân theo quy luật càng dày càng ít ánh sáng có thể xuyên qua.
Do đó, nếu mây quá dày, không gian bên trong các đám mây quá chật thì màu mây sẽ chuyển dần sang xám và thậm chí là đen. Đó cũng chính là dấu hiệu báo trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão sắp tới.
Mọi người cảm thấy rất bất ngờ trước hiện tượng này.
Lượng mây đen quá lớn ở Hạ Long nói riêng cũng như các tỉnh, thành xung quanh vô hình chung đã khiến cho bầu trời nơi đây dù đang ban ngày cũng phải trở nên tối đen như ban đêm.
Ông Nguyễn Vũ Thắng, phó giám đốc đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc cho rằng, “Trời tối như vậy vì có một đám mây rất lớn đi qua khu vực Quảng Ninh, sau khi mây tan thì trời hửng sáng trở lại. Quan sát bằng cảm quan thì có thể khẳng định hiện tượng này do mây lớn tạo ra”.
Sau 10', thành phố Hạ Long sáng bừng trở lại.
Lập luận trên càng có thêm cơ sở khi sáng nay, trước thời điểm xảy ra hiện tượng “ngày hóa đêm” ở Hạ Long thì tại Ninh Bình, bầu trời cũng tối sầm và mưa như trút nước trong khoảng 25 phút từ 8h05’- 8h30’. Một giả thuyết về sự liên hệ giữa hai hiện tượng này không phải là không có căn cứ.
Update mới nhất:
Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 3/4, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện tượng ở Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là do cơn giông có mây dày đặc gây ra.
"Khi có một cơn giông có mây dày, phát triển lên cao, có kích thước rộng lớn thì làm che khuất mặt trời, vì vậy, ánh sáng mặt trời không xuyên thấu qua, chiếu xuống dưới được. Từ đó dẫn đến trời tối đen kịt lại và giông kéo đến. Sau khi mưa xong thì trời lại sáng trở lại. Dân gian ta cũng đã có câu là "sau cơn giông trời lại sáng", nó ứng với hiện tượng xảy ra ở Quảng Ninh này. Đây là hiện tượng rất đơn giản, bình thường trong khí quyển còn không có gì liên quan đến thiên văn cả", ông Hải giải thích.(Theo Soha)
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Báo Quảng Ninh, Wikipedia...
Theo Việt Anh / Trí Thức Trẻ
Bình Luận
Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.