Đồ điện gia dụng tiêu thụ bao nhiêu điện năng?
Rất ít người dùng Việt nắm được thông số về công suất tiêu thụ điện của các thiết bị trong gia đình. Ảnh: Internet
Trong các gia đình hiện đại, các đồ điện gia dụng: TV, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt,… đang trở nên phổ biến. Đa số người Việt lại không có thói quen tìm hiểu và nắm được công suất tiêu thụ của các đồ điện gia dụng cũng như thực tế, mỗi thiết bị gia dụng đã ngốn của gia đình bạn bao nhiêu số điện mỗi tháng để có thể định lượng và lên các phương án tiết kiệm.
Công suất là thông số biểu thị cho chúng ta biết được lượng tiêu thụ điện năng của thiết bị là bao nhiêu. Nói cách khác, nó sẽ tiêu tốn bao nhiêu số điện trong một tháng, để từ đó tính ra số tiền điện mà gia đình phải chi trả.
Để tính được lượng điện năng tiêu thụ (W/h hoặc KW/h) mỗi tháng, trước tiên, người dùng cần nắm rõ chỉ số công suất tiêu thụ điện năng của các thiết bị (là thông số các nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì thiết bị) và thời gian sử dụng sản phẩm.
TV màn hình phẳng: TV có kích cỡ màn hình 32 inh thường có công suất khoảng 40W. Như vậy, nếu bật TV liên tục trong vòng 25 tiếng đồng hồ sẽ tiêu thụ hết 1 KWh (1 số điện). TV 40 inh công suất 65W dùng 15,4 tiếng tiêu thụ khoảng 1 số điện. Dù công suất tiêu thụ không lớn, nhưng có rất nhiều gia đình lại có thói quen sử dụng nút Power trên điều khiển để tắt TV. Với cách tắt này, TV vẫn tiêu thụ một lượng điện năng nhất định.
Nồi cơm điện: Có công suất khoảng 500W dùng 2 giờ tiêu thụ 1KW giờ. Công suất 750W dùng 1,3 giờ tiêu thụ 1 KW giờ.
Tủ lạnh: các loại tủ lạnh nhỏ có dung tích 150l công suất 100 – 150W. Như vậy, bình quân mỗi ngày, tủ lạnh dung tích này tiêu thụ 1,5 – 1,7 KWh. 1 tháng tiêu thụ hết ít nhất 45 số điện.
Đối với những chiếc tủ lạnh side – by – side cỡ lớn, công suất tiêu thụ thường ở mức 170 – 210 W. Với mức công suất này, tủ lạnh side – by – side sẽ ngốn của gia đình bạn 4 số điện/ngày và 120 số điện/ tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách tính tương đối vì công suất tiêu thụ điện của tủ lạnh phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ môi trường và cách dùng.
Điều hòa nhiệt độ: đây có thể xem là thiết bị ngốn nhiều điện năng nhất trong gia đình. Một máy điều hòa nhiệt độ 9000 BTU có công suất dao động từ 800 – 850 W. Các máy 12000 BTU có công suất 1500W. Như vậy, Nếu một chiếc điều hòa nhiệt độ 9000BTU chạy trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ tiêu tốn 0,85KWh (gần 1 số điện). Còn một chiếc điều hòa nhiệt độ 12000BTU sẽ tiêu tốn của gia đình bạn 1,5 số điện sau 1 giờ sử dụng.
Quạt điện: nếu bật/tắt một chiếc quạt 40W 5 tiếng/ngày với tốc độ cao nhất thì bạn phải trả thêm khoảng 2kWh/tháng so với việc để quạt chạy ở mức độ thấp nhất.
Bàn là: Bàn là thường có công suất 750W. Như vậy, nếu sử dụng thiết bị này khoảng 10 tiếng/tuần, gia đình bạn sẽ tiêu tốn 30 số điện/ tháng.
Các mẹo tiết kiệm điện khi dùng đồ điện
Không nên dùng bàn là để là quần áo ướt. Ảnh: Internet
Tủ lạnh: Hạn chế việc đóng/mở tủ thường xuyên vì càng mở nhiều thì bạn càng phải trả tiền điện nhiều. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 - 6 độ C. Đối với chế độ đông lạnh thì để ở mức từ âm 15 - âm 18 độ C. Cứ lạnh hơn 10 độ C là thêm 25% điện năng tiêu hao. Chú ý, kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều.
Điều hoà nhiệt độ: Khi sử dụng nên để nhiệt độ mức trên 25 độ C. Cứ cao hơn 10 độ C là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng, thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng. Không nên đặt máy ở gần tường, như vậy sẽ tiêu phí từ 20 - 25% điện năng. Nếu bạn vắng nhà trong khoảng 1h đồng hồ thì tốt nhất là nên tắt máy điều hòa đi.
Quạt điện: Không nên để quạt chạy ở tốc độ quá cao, như vậy sẽ rất tốn điện. Cần ghi nhớ rút phích cắm điều khiển từ xa ở quạt sau mỗi lần sử dụng. Đặt quạt chạy ở chế độ vừa phải, cánh quạt càng quay nhanh bạn càng phải trả nhiều tiền điện.
Máy tính để bàn: Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (ScreenSave) để vừa đỡ tốn điện vừa bảo vệ được máy. Chọn chế độ tiết kiệm điện sẽ giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (downtime).
Bóng điện: Nên quét vôi hoặc lăn tường bằng màu sáng vì chỉ cần bật ít đèn mà nhà vẫn sáng do có sự phản xạ ánh sáng của tường nhà. Do đó bạn sẽ giảm được lượng bóng điện trong nhà. Mặt khác bạn nên dùng loại bóng có chức năng tiết kiệm điện năng như đèn Compact, đèn tuýp gầy.
Bàn là: Không là quần áo còn ướt, không là quần áo trong phòng có bật máy điều hoà nhiệt độ. Lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn.
Máy giặt: Chỉ sử dụng máy giặt khi có đủ lượng quần áo để giặt và dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.
Lò vi sóng: Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hoà nhiệt độ và không nên đặt gần các đồ điện khác, nếu đặt quá gần thì quá trình hoạt động của lò vi sóng sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.
Máy bơm: Khi dùng máy bơm nhớ vặn chặt các van nước bởi vì rò rỉ nước sẽ làm máy bơm hoạt động gây tốn điện không cần thiết. Các van ở đường ống nên thường xuyên bảo trì.
TV: Không nên để màn hình ở chế độ sáng quá vì như vậy sẽ rất tốn điện. Không nên tắt TV bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút ở trên màn hình. Nên chọn kích cỡ TV phù hợp với diện tích nhà bạn vì màn hình TV càng to, lương tiêu thụ điện năng sẽ càng lớn.
Bình Luận
Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.