Công nghệ không phải là điều gì đó bất biến và trường tồn mãi mãi cùng vũ trụ. Nó chỉ tồn tại chừng nào thông tin về nó còn được lưu giữ và truyền lại qua các thế hệ loài người. Có thể lấy ví dụ như nhiều bí kíp thời Trung cổ được cất giữ vô cùng cẩn mật, chỉ được truyền từ thầy sang trò. Nếu “sợi dây” này bị đứt quãng, gián đoạn thì công nghệ sẽ bị lãng quên. Chính vì điều này mà nhiều công nghệ độc đáo đã biến mất mãi mãi bất chấp mọi nỗ lực tái tạo lại của con người thời nay.
1. Thép vân Damascus - Orihancon của thời Trung Cổ
Thép Damascus là một trong những công nghệ cổ đại nổi tiếng nhất của vùng Trung Đông. Những miếng thép damascus có vân kim loại như những vệt sóng nước là kết quả của quá trình tôi rèn nhiều lớp, và theo truyền thuyết thì vũ khí rèn từ thép Damascus vô cùng sắc bén, chém áo giáp nhẹ nhàng như cắt một miếng bơ. Nhưng công nghệ chế tạp thép Damascus đã bị mai một kể từ thế kỷ 18.
Những tính chất đặc biệt của thép Damascus được đồn thổi càng làm nó trở thành một loại vật liệu thần thánh, và người phương Tây từ xa xưa đã cố gắng hàn ép nhiều lớp thép với nhau, sau đó đưa vào rèn và nhào nặn nhiều lần để tạo ra những đường vân nhằm mô phỏng lại loại thép Damascus này một cách giống nhất. Dù vậy, loại thép này không thể có đầy đủ các tính chất của thép Damascus và đương nhiên nó được chế tạo một cách cơ học hơn, nhưng ngày nay loại thép mới này vẫn được người ta chấp nhận gọi với cái tên thép Damascus.
2. Thủy tinh dẻo đi trước thời đại hàng ngàn năm
Theo truyền thuyết, thủy tinh dẻo được làm ra bởi một thợ thủy tinh vô danh ở Rome vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Người thợ đã dâng phát minh của mình cho hoàng đế Tiberius (trị vì từ năm 14-37), và để chứng minh tính chất đặc biệt của nó, ông đã thả rơi chiếc bình thủy tinh xuống đất. Nó không hề bị vỡ, rạn hay sứt mẻ mà chỉ hơi méo một chút. Thật không may cho người thợ, Tiberius cho rằng loại thủy tinh này sẽ làm mất đi giá trị của các kim loại quý và ra lệnh xử tử người thợ thủy tinh để bí mật về loại thủy tinh kỳ lạ này không bao giờ được tiết lộ.
Hơn 2000 năm sau, vào năm 2012, công ty sản xuất thủy tinh Corning giới thiệu loại thủy tinh dẻo "Willow Glass" (thủy tinh mềm như liễu) với khả năng chịu nhiệt và dẻo tới mức có thể cuộn lại. Loại thủy tinh đặc biệt này sẽ rất hữu ích trong công nghệ chế tạo các tấm pin Mặt Trời. Nếu truyền thuyết về thủy tinh dẻo là có thực thì người thợ thủy tinh La Mã yểu mệnh kia đã đi trước thời đại hàng nghìn năm.
3. Bách Độc Kim Sang của vua độc Ba Tư
Vị thuốc giải “bách độc” Mithridates lấy tên của vua Mithridates VI (cai trị xứ Pontus từ năm 120 đến năm 63 TCN). Ông này được mệnh danh là “Vua Độc” và có nét gì đó giống với Tây Độc Âu Dương Phong trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung.
Bị ám ảnh bởi cái chết của vị vua tiền nhiệm cũng là cha ông, vua Mithridates V, người đã bị sát hại bởi thuốc độc trong một bữa tiệc lớn vào năm 120 TCN tại thành phố Sinope nên vua Mithradates VI rất “mẫn cảm” với thuốc độc. Lo sợ mình sẽ chết bởi một cách “không chính đáng”, vua của Pontus quyết định lên kế hoạch “luyện tập với thuốc độc” và tự bắt mình thực hiện nghiêm túc kế hoạch đó.
Thử độc dược trên tù nhân
Đầu tiên, ông nghiên cứu tất cả những thảo mộc mà ông kiếm được để có những kiến thức nhất định về thuốc độc. Sau đó ông bắt đầu trộn lẫn các thảo mộc với nhau, tạo ra những chất độc có thể làm chết người.
Vua Mithradates thường xuyên sử dụng một lượng nhỏ chúng để giúp ông có “sức đề kháng” với chúng, tránh việc bị ám sát bởi thuốc độc. Tương truyền rằng chính ông đã phát minh ra thuốc chữa mọi loại độc tố với 65 chất thành phần, và sau này khi thua trận, mất cả vương quốc cùng vợ con, ông đã tự tử bằng thuốc độc nhưng không thành vì ông đã miễn nhiễm với mọi loại độc dược. Cuối cùng vua Mithradates VI phải kết thúc cuộc thúc cuộc đời của mình bằng một thanh kiếm của một người lính.
Thế là những tháng ngày chăm chỉ luyện tập cùng thuốc độc đã trở thành kẻ thù lớn nhất của ông vua độc dược ở giây phút cuối đời. Thật đáng tiếc là công thức của loại thuốc trị bách độc này đã không còn.
4. Lửa Hy Lạp - bom napalm thời cổ đại
Ngọn lửa Hy Lạp được coi là tiền thân của bom napalm ngày nay. Nó được sử dụng lần đầu tiên bởi người Byzantine trong những trận đánh trên biển. Theo những thông tin được ghi chép còn sót lại thì đây là một thứ vũ khí rất hiệu quả để tiêu diệt các tàu thuyền bằng gỗ, và thậm chí là cả những pháo đài trên mặt đất.
Người ta cho rằng “lửa Hy Lạp” đã được phát minh bởi kỹ sư người Syria tên là Callinicus, một người theo đạo Cơ đốc tị nạn từ Maalbek, trong thế kỷ thứ 7 (vào năm 673). Thực chất đây là một loại hóa chất dạng lỏng, được phun sang tàu địch bằng một chiếc bơm được làm bằng da và gỗ theo nguyên tắc bình thông nhau hình chữ U.
Luồng hóa chất này chạy qua một chiếc ống đồng và phóng ra ngoài, có một người đứng ngoài châm đóm vào làm nó bốc cháy trước khi bắn vào tàu địch, tương tự như súng phun lửa ngày nay. Điểm khiến nó trở nên độc đáo là khả năng cháy trên mặt nước mà không bị ảnh hưởng gì, thậm chí càng cháy to hơn bình thường.
Vì là bí mật quốc gia nên công thức của “lửa Hy Lạp” luôn được giữ kín, và sau đó bị thất truyền là điều dễ hiểu.
5. Công nghệ xây tường đá của người Inca
Công nghệ xây tường đá của người Inca luôn khiến cho các kiến trúc sư hiện đại phải ngưỡng mộ. Những tảng đá có hình dạng không đồng đều, nhưng khi đặt chúng lại với nhau thì phù hợp, vừa vặn trông giống như một trò chơi ghép hình. Chúng được ghép lại khớp với nhau một cách đáng kinh ngạc, ngay cả một mảnh giấy cũng khó có thể chèn vào giữa các tảng đá.
Mỗi tảng đá đơn lẻ được dùng để xây dựng ở nơi đây có trọng lượng được ước tính từ 120 - 200 tấn. Ngoài ra, một nét độc đáo nữa của những công trình xây dựng Inca là không sử dụng chất kết dính như vữa.
Khó mà nhét một tờ giấy vào khe ghép này
Dù nơi đây đã trải qua nhiều trận động đất nhưng những công trình bằng đá khổng lồ của người Inca vẫn đứng sừng sững hàng trăm năm như thách thức thời gian.
6. Bê tông La Mã
Bê tông La Mã được cho là hỗn hợp có độ bền cao nhất từng được sử dụng trong xây dựng các công trình thời La Mã cổ đại. Trải qua hơn 2000 năm với vô số tác động hóa học và vật lý nhưng những tòa kiến trúc này vẫn có thể đứng vững, trong khi bê tông ngày nay thì dễ dàng xuống cấp chỉ sau 50 năm.
Không những thế, bê tông La Mã còn thân thiện với môi trường hơn bê tông hiện đại. Cụ thể, sản xuất xi măng ngày nay cần lượng nhiệt lớn khi đốt nhiên liệu để nung chảy hỗn hợp đá vôi và đất sét lên đến 1.450 độ C (2.642 độ F), đồng thời thải ra nhiều khí CO2. Trong khi đó, bê tông của người La Mã sử dụng ít vôi hơn và chỉ cần nung đá vôi ở nhiệt độ 900 độ C (1652 độ F) hoặc thấp hơn.
Và dù ngày nay chúng ta đã biết được thành phần của bê tông La Mã gồm có vôi và tro núi lửa, thế nhưng rất nhiều thủ thuật và bí kíp xây dựng của người La Mã tới nay vẫn còn là bí ẩn.
7. Công nghệ luyện sắt nghìn năm không rỉ của người Ấn Độ cổ
Cây cột sắt 1600 tuổi ở bang Delhi luôn xuất hiện trong các cuốn cẩm nang du lịch giới thiệu với du khách khi đến Ấn Độ. Nhìn bên ngoài thì nó chỉ là một cây cột bằng sắt nguyên khối cao 6,3m và phần đế chôn sâu 1m dưới đất. Đường kính của cột giảm dần từ 48cm ở chân cột còn 29cm khi lên đến đỉnh. Ở giữa cột là một đoạn văn tự viết bằng tiếng Phạn cổ, với nội dung ca ngợi một vị vua. Các hoa văn trên cột tuy khá tinh xảo, nhưng cũng không có gì đặc biệt.
Điểm khiến công trình "không có gì đặc biệt" này trở nên nổi tiếng khắp thế giới là ở chỗ mặc dù được làm bằng sắt từ thời cổ đại nhưng qua hàng nghìn năm, nó không hề bị gỉ sét.
Theo các tài liệu cổ của người Ấn Độ, cột sắt Delhi được tạo ra từ thế kỷ thứ IV dưới thời nhà vua Chandragupta II (từ năm 375 đến năm 413), nhằm tôn thờ các vị thần bảo hộ của người Hindu.
Nhiều người tin rằng, cây cột bí ẩn này là sản phẩm của một nền văn minh khác, do những người ngoài hành tinh mang đến Trái đất từ thời xa xưa. Một quan điểm khác lại khẳng định, cột sắt Delhi được các thế lực siêu nhiên, các vị thần bảo vệ khỏi sự tàn phá của thời gian...
Từ năm 1990, chính quyền địa phương nơi đây đã phải dựng hàng rào bằng sắt bao quanh, ngăn không cho du khách tiếp xúc trực tiếp với cây cột này. Từ đó đến nay, họ đã nhiều lần phải thay các hàng rào này do... gỉ sét, còn đối tượng được bảo vệ thì vẫn “bền mãi với thời gian”.
8. Năng lượng không dây vĩnh cửu của Nikola Tesla
Ý tưởng về chuyển tải điện năng đã được đưa ra từ đầu năm 1900 bởi nhà phát minh người Serbi Nikola Tesla trước khi lưới điện được phổ biến rộng rãi. Ngay từ những năm này, “nhà khoa học điên” Tesla đã mơ ước một thế giới không tồn tại dây dẫn điện phức tạp mà sử dụng hệ thống một tháp truyền điện và năng lượng không dây tới mọi ngõ ngách trên thế giới. Nhằm hiện thực hóa viễn cảnh này, Tesla đã bắt tay xây dựng tháp Wardenclyffe cao 29m ở New York.
Ngọn tháp này được coi là bước cuối cùng trong hệ thống điện không dây của Tesla, và được kết hợp với phát minh máy thu năng lượng vũ trụ. Nếu thành công, thế giới sẽ được sử dụng điện miễn phí và không giới hạn chỉ bằng một chiếc ăng-ten thu năng lượng ở đầu cuối.
Tuy nhiên sau 17 năm xây dựng (1900-1917), dự án tháp đã bị đình chỉ. JP Morgan rút nguồn tài trợ của vì họ phát hiện ý đồ thật sự của Tesla không phải xây dựng tháp viễn thông.
9. Nhựa siêu chịu nhiệt
Starlite là một loại nhựa đó là có thể chịu được một lượng nhiệt đáng kinh ngạc tương đương với mức độ của vụ nổ hạt nhân nhiệt và có thể được đúc thành bất kỳ dạng nào. Loại nhựa kỳ diệu này được phát minh vào cuối thế kỷ XX bởi nhà hóa học người Anh Maurice Ward.
Ông này đã rất lo sợ rằng thành phần của starlite sẽ bị mất cắp nên không tiết lộ cho bất cứ ai. Năm 2011 ông qua đời và đem theo bí mật về chất liệu thần thánh này xuống mồ cùng mình.
10. Thuật toán siêu nén của Jan Sloot
Thiên tài công nghệ thông tin Romke Jan Bernhard Sloot người Hà Lan đã từng sáng tạo ra thuật toán thu nhỏ dung lượng thông tin vô cùng ảo diệu: từ 10 GB dữ liệu được nén xuống chỉ còn 8 KB. Năm 1999, ông đã bảo vệ công trình nghiên cứu của mình trước những “ông trùm” giới công nghệ và thuyết phục họ mua nó. Thế nhưng chỉ hai ngày trước khi chuyển giao thuật toán lại cho đối tác, thì Sloot đột ngột qua đời một cách bí ẩn. Người ta đồn đoán rằng, Jan Sloot đã bị đau tim nhưng cũng có thể là bị ám hại để cướp ý tưởng sáng tạo. Chiếc đĩa chứa chìa khóa bí mật về thuật toán nén dữ liệu của ông đã mãi mãi biến mất.
Theo Trí Thức Trẻ
Bình Luận
Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.