Phía ngoài hầm mộ gia tộc Chase.
Những chiếc quan tài biết đi
Người đầu tiên đến “định cư” trong hầm mộ là quý bà Thomasina Clarke trong cỗ quan tài bằng gỗ vào tháng 7/1807. Một năm sau, cô bé 2 tuổi Mary Ann Chase được an táng tại đây trong một cỗ quan tài bằng chì. Bốn năm sau, năm 1812, người chị gái Dorcas Chase của Mary Ann qua đời một cách khá bí hiểm. Cho đến lúc đó, vẫn chưa có chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên chỉ ít ngày sau, khi hầm mộ được mở ra lần thứ 4 để đón nhận thi hài của cha hai cô bé, những người đưa tang đều sửng sốt và giận dữ vì 2 chiếc quan tài nhỏ của chị em Mary đã bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu, cỗ quan tài của cô em bị dựng đầu xuống đất, đặt ở một góc hầm mộ. Họ cho rằng chính những kẻ mạo phạm đến hầm mộ chính là người bản xứ căm tức bởi sự giàu có của gia tộc Chase. Người ta đã đặt những cỗ quan tài lại vị trí ban đầu, sau đó dùng một tảng đá thật lớn chặn cửa vào hầm mộ và trát kín lại.
Thế nhưng, năm 1819, khi dòng họ Chase đưa thi thể cậu bé 1 tuổi Charles Brewster Ames vào hầm mộ thì chuyện bí ẩn lại tiếp diễn. Những chiếc quan tài nằm lộn xộn như ở nhà kho. Trong khi đó, lớp vữa trát ngoài cửa vào vẫn còn nguyên vẹn, nền hầm mộ bên không hề có dấu vết lạ và mọi thứ đồ tuỳ táng không suy suyển.
Dù nhiều lần được đặt lại vị trí ban đầu nhưng cứ mỗi khi mở hầm mộ ra thì những quan tài lại nằm ngỗn ngang.
Các nỗ lực giải mã bất thành
Chỉ 52 ngày sau khi chôn cất cậu bé Charles, người trong dòng tộc quyết định di dời xác của ông Samuel Brewster, cha của Charles, đến khu hầm mộ Chase. Phiến đá cẩm thạch nặng nề được dịch sang một bên, và sự việc huyền bí này lại một lần nữa xảy ra. Vị linh mục tại nhà thờ Christ gần đó, Thomas Orderson, cùng với 3 người đàn ông khác quyết định tiến hành một cuộc điều tra về việc này.
Xét về lý thuyết, sự việc những cỗ quan tài “biết đi” có thể là do lũ lụt gây ra, bốn người đã tiến hành kiểm tra kỹ các dấu vết hơi ẩm trên các bức tường và trần hầm mộ, các vết nứt trên sàn nhà, song chẳng phát hiện ra bất kỳ điều gì khả nghi.
Sự việc gây xôn xao dư luận đến mức thống đốc Barbados lúc bấy giờ đã đích thân đến tận nơi xem xét và cho gắn xi lối vào hầm mộ bằng con dấu của mình. Vài tháng sau, khi trở lại, nhận thấy không có biểu hiện gì khác thường, các dấu xi không có vết cậy phá, thống đốc yên tâm cho mở cửa hầm mộ để kiểm tra. Thật ngạc nhiên là tình hình vẫn hỗn loạn như cũ. Chỉ duy nhất có chiếc quan tài bằng gỗ đã mục nát của bà Thomasina Goddard là còn ở nguyên vị trí. Không một dấu vết nào, dù là nhỏ nhất, cho thấy có sự đột nhập từ bên ngoài.
Sau sự kiện này, gia đình Chase đã chuyển tát cả quan tài của người thân đi nơi khác chôn cất. Hầm mộ bị bỏ không và trở thành một địa điểm du lịch cho đến nay.
Phía trong hầm mộ gia tộc Chase.
Người bản xứ không sao lý giải được vì sao các cỗ quan tài di chuyển mà không có sự tác động của bàn tay con người, cũng như cửa hầm mộ tự mở mà không tìm thấy dấu hiệu của sự dịch chuyển.
Một giả thuyết được nêu ra là nước ngập có thể đẩy các quan tài trôi khỏi vị trí. Nhưng hầm mộ nằm cao hơn mặt nước biển 30 m và lúc nào cũng khô ráo. Ngoài ra, chì không thể nổi còn gỗ thì có thể, nhưng quan tài chì lại chuyển động, quan tài gỗ duy nhất của bà Clarke lại đứng yên.
Cũng có người cho rằng nguyên nhân là địa chấn. Nhưng Barbados không nằm trong phạm vi núi lửa hoạt động. Còn nếu thật sự do động đất thì tại sao tất cả các hầm mộ nằm sát cạnh đều không bị ảnh hưởng?
Tác giả Eric Frank Russell trong cuốn Những bí ẩn lớn nhất của thế giới (1957) cho rằng, thủ phạm là một lực từ trường khiến các quan tài bằng chì quay quanh một trục nào đó. Nhưng chì không phải là chất liệu bị ảnh hưởng bởi các lực từ trường thông thường nên cách lý giải này cũng không đủ sức thuyết phục. Bí ẩn về những chiếc quan tài biết chạy vì thế vẫn tiếp tục ám ảnh những du khách đến thăm hầm mộ họ Chase.
Tổng hợp
Theo: Tinhhoa.net
Theo: Tinhhoa.net
Bình Luận
Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.