Năm 2015, xác ướp của vị Lạt Ma Dashi-Dorzho Itigilov, nhà sư tại trường Phật giáo Tây Tạng sinh năm 1842, được phát hiện tại tỉnh Songino Khairkhan, Mông Cổ, theo Listverse. Xác ướp này nằm sâu trong một tu viện, ngồi ở tư thế kiết già (lotus position) và gần như hoàn toàn nguyên vẹn. Bọc bên ngoài xác ướp là một lớp da bò. Hiện nay, xác ướp đang được trưng bày tại tu viện Ivolginsk, Nga. Ảnh: Tumblr.
Các nhà khoa học phát hiện bản phúc âm cổ nhất từng được biết đến trong mặt nạ của một xác ướp. Bản phúc âm được làm từ vật liệu giấy cói, có niên đại trước năm 90 sau Công nguyên. Đây có thể là một phần của bản Phúc âm Mark. Ảnh: Christian Today.
Chehrabad, một mỏ muối khổng lồ ở phía tây thành phố Zanjan, Iran, là nơi phát hiện 6 xác ướp tự nhiên. Những xác ướp này được mệnh danh là "người muối" với niên đại từ năm 539 trước Công nguyên đến năm 640 sau Công nguyên. Râu, tóc, cơ quan nội tạng, quần áo của các xác ướp hầu như còn nguyên vẹn do được bảo quản trong môi trường khô và mặn. Ảnh: Nasser Sadeghi.
Năm 2015, giới khảo cổ phát hiện xác ướp của một cậu bé khoảng 6 - 7 tuổi được bọc trong lớp vỏ cây và chôn cùng cây rìu tại nghĩa trang Zeleny Yar, phía bắc Siberia, Nga. Lớp băng vĩnh cửu góp phần bảo quản xác ướp một cách tự nhiên. Xác ướp có niên đại khoảng thế kỷ 13. Cậu bé dường như có địa vị xã hội cao hơn so với các xác ướp khác nằm cùng khu nghĩa trang. Ảnh: Siberian Times.
Một nhà sưu tập nghệ thuật người Hà Lan phát hiện xác ướp của nhà sư nằm bên trong bức tượng phật mua từ Trung Quốc. Xác ướp có niên đại khoảng 1.000 năm. Năm 2014, các nhà khoa học Hà Lan tiến hành chụp cắt lớp vi tính xác ướp. Kết quả cho thấy xác ướp không còn cơ quan nội tạng. Xác ướp ngồi trên một miếng vải có dòng chữ ghi tên nhà sư là Liuquan. Ảnh: Telegraph.
Năm 2008, một đội tuần tra phát hiện "xác ướp Tuli" tại ngôi mộ nằm dưới chân vách đá ở Botswana, châu Phi. Xác ướp có độ tuổi khoảng 200 năm này được bọc trong da bò. Các nhà khoa học chụp cắt lớp vi tính và phân tích mẫu ADN nhằm tìm hiểu xác ướp. Kết quả cho thấy, xác ướp bị thoái hóa cột sống, không còn cơ quan nội tạng. Xác ướp Tuli có mối liện hệ với người Sotho - Tswana và Khoesan hiện đại. Ảnh: Conversation.
Xác ướp Hatason đang được trưng bày tại Bảo tàng Legion of Honor, San Francisco, Mỹ, có nguồn gốc từ Ai Cập. Các nhà nghiên cứu phát hiện hộp sọ xác ướp chứa đầy bụi bẩn và não còn sót lại. Sự hiện diện của bộ não cho thấy xác ướp có thể đến từ giai đoạn Vương triều mới (New Kingdom) của Ai Cập, khoảng giữa thế kỷ 16 và 11 trước Công nguyên. Sau giai đoạn này, loại bỏ não đã trở thành tiêu chuẩn khi ướp xác. Ảnh: Seeker.
Bảo tàng thành phố Guanajuato, Mexico, lưu giữ nhiều bộ xác ướp sau trận dịch tả tấn công Guanajuato năm 1833. Việc lưu trữ và trưng bày xác ướp trong bảo tàng là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học và chính trị trên thế giới, khi nhiều người cho rằng đây là hành động vi phạm tiêu chuẩn đạo đức. Hầu hết xác ướp là những người không có khả năng nộp thuế khi qua đời. Ảnh: Alejandro Castro.
Năm 1881, giới khảo cổ phát hiện xác ướp bí ẩn trong hang mộ hoàng gia ở phía nam Cairo, Ai Cập. Khi mở lớp vải quấn quanh xác ướp năm 1886, các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy nét mặt kinh hoàng của xác ướp giống như đang la hét. Xác ướp nằm trong một cỗ quan tài không có bất kỳ tên gọi hay dấu hiệu nhận dạng nào, nên các nhà khoa học không thể tiến hành tìm hiểu sâu hơn. Họ gọi xác ướp bằng cái tên "Người đàn ông vô danh E" hay là "Xác ướp la hét", và đưa về lưu giữ ở Bảo tàng Cairo. Ảnh: Ancient Origins.
Theo vnexpress.net
Bình Luận
Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.